Hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp

Hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp

BỘ Y TẾ
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 11/2001/TT-BYT

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 11/2001/TT-BYT NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ XOA BÓP

Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, Nghị định số 03/2000/ NĐ-CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;

Căn cứ Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định số 06/CP ngày 29/1/1994 của Chính phủ về cụ thể hóa một số điều trong Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân;

Căn cứ Nghị đinh số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng;

Căn cứ Nghị định số 30/2000/NĐ-CP ngày 11/8/2000 về việc bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh;
Bộ Y tế hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Xoa bóp là một phương pháp trong hệ thống các phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi và nâng cao sức khỏe con người.

2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, các khách sạn có tổ chức dịch vụ xoa bóp đều phải thực hiện đúng quy định của Thông tư này.

3. Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

4. Hội người mù của các cấp nếu có đủ điều kiện quy định tại Mục II về điều kiện đối với cơ sở có dịch vụ hành nghề xoa bóp của Thông tư này thì được đăng ký tổ chức dịch vụ xoa bóp.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CƠ SỞ CÓ DỊCH VỤ XOA BÓP

1. Phải có bác sĩ phụ trách hành nghề dịch vụ xoa bóp: Bác sĩ phụ trách phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Chuyên môn:

– Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.

– Bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sĩ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên ngành vật lý trị liệu – phục hồi chức năng tại các trường được Bộ Y tế chỉ định (theo danh sách quy định tại Phụ lục 1).

b) Nếu là cán bộ đương chức thì được phép làm ngoài giờ bằng văn bản của lãnh đạo cơ quan.

c) Có đủ sức khỏe để làm việc (giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp quận, huyện trở lên).

d) Chỉ được đăng ký hành nghề tại một cơ sở và chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật.

Nghiêm cấm việc cho thuê, mượn bằng, chứng chỉ đào tạo.

đ) Hợp đồng lao động giữa bác sĩ và chủ cơ sở kinh doanh.

2. Phải có nhân viên kỹ thuật xoa bóp:

Nhân viên kỹ thuật phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Có chứng chỉ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp do một trong các trường được Bộ Y tế chỉ định (theo danh sách quy định tại Phụ lục 1) cấp.

b) Nhân viên kỹ thuật xoa bóp phải làm theo đúng quy trình kỹ thuật đã được học. Sau 3 năm, bác sĩ phụ trách phải kiểm tra lại tay nghề đối với nhân viên kỹ thuật xoa bóp, nếu đạt tiêu chuẩn thì được tiếp tục hành nghề xoa bóp, nếu không đạt tiêu chuẩn thì phải đến các cơ sở đào tạo được Bộ Y tế chỉ định để được đào tạo lại.

c) Khi nhận vào làm việc, phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp quận, huyện cấp. Trong quá trình làm việc phải khám sức khỏe định kỳ từ 3 đến 6 tháng 1 lần tại các cơ sở khám chữa bệnh từ cấp quận, huyện trở lên. Những người mắc bệnh tâm thần, viêm gan B, HIV/AIDS, bệnh da liễu, bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm khác đang trong thời kỳ phải điều trị không được hành nghề.

d) Hợp đồng lao động với chủ cơ sở kinh doanh có sự đồng ý về chuyên môn của bác sĩ phụ trách.

3. Các điều kiện khác:

a) Biển hiệu: Phải ghi đúng: “Xoa bóp” hoặc “Massage”, không được ghi cụm từ “Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng” hoặc các tên khác.

b) Các phòng xoa bóp phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

– Rộng, có vách ngăn cho từng giường cá nhân hoặc phòng riêng (diện tích của phòng từ 4m2 trở lên), trần nhà cao từ 2,5m trở lên.

– Đủ ánh sáng, không sử dụng loại đèn có tăng giảm ánh sáng.

– Hệ thống công tắc đèn đặt bên ngoài phòng xoa bóp.

– Có trang bị tủ, ngăn tủ có khóa để cất, giữ quần áo, tài sản của khách.

– Không có hệ thống khóa và chốt bên trong phòng.

– Không được sử dụng bất cứ phương tiện thông tin nào để thông báo vào phòng xoa bóp.

– Cửa ra vào có kính trong, phía trên cách mặt đất 1,5m, cao 0,5m, rộng 0,3m.

– Giường xoa bóp phải đúng kích thước, cao: 0,6 – 0,8m, rộng 0,7 – 0,9m, dài 2,0 – 2,2m, có đệm chắc, ga trải giường, gối, khăn tắm phải được hấp tiệt trùng, chỉ sử dụng một lần.

– Giường đặt vị trí Ê 45o so với kính trong của cửa ra vào.

– Có bản quy trình kỹ thuật xoa bóp, chữ to, dễ đọc đính trên tường mỗi phòng (in trên khổ giấy A1) (Phụ lục 2) (*).

– Mỗi phòng có chuông cấp cứu bố trí một chiều từ phòng xoa bóp tới phòng bác sĩ hay nơi tiếp nhận khách.

c) Có buồng tắm hợp vệ sinh, hệ thống nước sạch đầy đủ.

d) Phòng bác sĩ có giường khám bệnh, tủ thuốc cấp cứu, bàn làm việc, một số dụng cụ kiểm tra sức khỏe.

e) Có đủ thuốc theo danh mục quy định, có dụng cụ y tế thông thường (Phụ lục 3).

f) Nhân viên kỹ thuật xoa bóp phải mang trang phục gọn, sạch, đẹp, kíu đáo, có phù hiệu ghi rõ tên cơ sở, tên nhân viên, có ảnh cỡ 3 x 4 và chỉ được hành nghề tại các phòng xoa bóp theo quy định tại Mục II khoản 2 nêu trên.

III. KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các cơ sở có dịch vụ xoa bóp. Định kỳ hoặc đột xuất phải tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định của Thông tư này.

Các tổ chức, cá nhân hành nghề xoa bóp có trách nhiệm chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra tại cơ sở của mình. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 19/BYT-TTngày 21/12/1995 của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức quản lý dịch vụ xoa bóp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Y tế giao cho Vụ Điều trị, Vụ khoa học và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện chương trình bổ túc phục hồi chức năng cho các bác sĩ đa khoa đứng tên hành nghề xoa bóp và chương trình đào tạo nhân viên kỹ thuật xoa bóp, vật lý trị liệu.

2. Bộ Y tế giao cho các trường đại học y, trường trung học y tế (theo danh sách quy định tại Phụ lục 1) có trách nhiệm đào tạo cán bộ chuyên môn theo chương trình do Bộ Y tế ban hành và đào tạo nhân viên kỹ thuật xoa bóp (chỉ được phép đào tạo cho những người có bằng tốt nghiệp từ tiểu học trở lên). Sau khi học viên học hết khóa học nếu đạt kết quả thì được cấp giấy chứng nhận đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật xoa bóp. Các cơ sở có nhu cầu gửi cán bộ và nhân viên đi học, liên hệ với các trường được giao nhiệm vụ đào tạo (theo Phụ lục 1 của Thông tư này).

3. Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng – phục hồi chức năng, giám đốc khách sạn, Chủ tịch Hội người mù hoặc các tổ chức khác có tổ chức dịch vụ xoa bóp, phải giám sát mọi hoạt động ở cơ sở của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cơ sở do mình quản lý. Nếu để các hoạt động mại dâm xảy ra trong các phòng xoa bóp thì Giám đốc, Chủ tịch Hội sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Sở Y tế tỉnh phối hợp với Sở Công an, Sở Du lịch báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

5. Hàng năm, Sở Y tế các tỉnh có báo cáo gửi về Bộ Y tế (Vụ Điều trị) đánh giá các hoạt động thực hiện Thông tư này của các cơ sở do Sở Y tế tỉnh quản lý.

6. Hàng năm, các trường đào tạo bác sĩ đứng tên hành nghề xoa bóp và đào tạo nhân viên xoa bóp có báo cáo gửi về Bộ y tế (Vụ Điều trị) theo mẫu tại Phụ lục 4.

 

 

 

[google_referrer_checker]

Bình luận bài viết

Học viên nộp trực tiếp hồ sơ hoặc qua bưu điện về địa chỉ
  • Người nhận : Cô Hảo
  • Điện thoại : 09 7878 4589
  • VP tuyển sinh tại Hà Nội: Tầng 4, tòa nhà SHG Building, số 8 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
bg_image

Ngân hàng MB BANK

  • Số tài khoản : 09 7878 4589
  • Chủ tài khoản : PHAN THỊ BÍCH HẢO
  • Chi nhánh : HOÀI ĐỨC
bg_image
Vui lòng quét mã QR để thanh toán